Cách kiểm tra và chăm sóc vỏ xe ô tô Toyota

Lốp xe là bộ phận dễ bị ăn mòn sau một thời gian sử dụng. Có là tay lái lụa đi chăng nữa thì đều có thể rơi vào hoàn cảnh chiếc xe yêu quý của mình hết hơi, do cán đinh hoặc đá dăm trên đường một cách bất ngờ.

Dù có thể gặp các tình huống này nhưng nếu thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, chăm sóc lốp xe và tuân thủ đúng các khuyến cáo của nhà sản xuất thì sự cố bất ngờ tại lốp xe cũng bớt được phần nào nguy hiểm.

Tuy nhiên, đa phần các tài xế ở Việt Nam chưa hiểu được tác dụng của lốp tới an toàn giao thông. Cứ thấy mới là chạy mà không biết rằng lốp mới nhưng nếu bảo dưỡng không đúng cách vẫn có thể gây ra những hậu quả bất ngờ.

Hay câu chuyện thích độ mâm, lốp lên để nhìn cho hoành tráng, mà đâu hiểu lốp không đúng chuẩn sẽ khiến cảm giác lái không thật. Ngoài ra, với các xe chạy những địa hình khác nhau thì việc chọn đúng lốp cho địa hình liên quan cũng là rất cần thiết nếu không muốn gặp những trở ngại đến từ lốp.
 
Tuy nhiên, chọn lốp, bảo dưỡng, kiểm tra lốp như thế nào và khi nào cần thay thì không phải bác tài nào cũng hiểu rõ. Nhất là chị em, lên xe chỉ có nhấn ga, đạp phanh.

Sau đây xin giới thiệu một số kinh nghiệm liên quan đến bảo dưỡng, chăm sóc lốp để góp phần có những chuyến đi an toàn:

1. Chọn đúng loại lốp và thường xuyên bảo dưỡng:

Lý do: Bề mặt lốp rất quan trọng bởi đây chính là nơi tiếp xúc với mặt đường và chịu tải trọng của xe. Không những thế, bề mặt lốp còn là nơi truyền các thao tác như đánh lái, phanh hay tăng tốc. Đây cũng là nơi tiếp xúc trực tiếp với các chướng ngại vật trên đường.
 
Có 3 loại lốp chính. Loại phổ thông nhất được ký hiệu là HT (Hard Terrain) chuyên đi đường nhựa, gai mịn, nhiều rãnh dọc giúp cho xe bám đường tốt kể cả khi đường ướt và nhất là không ồn.

Kế đến là gai AT (All Terrain) phù hợp cho mọi điều kiện đường sá, đường nhựa, đường cát, đường sình lầy hay tuyết và đường trải đá sỏi.

Thường lốp gai AT được dùng nhiều cho dòng xe SUV 2 cầu.

Lốp AT cứng hơn HT và có gai to hơn, ít rãnh dọc nên ồn hơn lốp HT và khả năng bám đường khi trời mưa có phần kém hơn.

Loại thứ 3 tức gai MT (Mud Terrain) được đặc biệt ưa thích để off road, chuyên đi sình lầy, lốp MT có gai to, đôi khi có cả gai hai bên thành lốp, khoảng cách giữa các gai lớn nhằm hạn chế khả năng sình bám vào gai lốp làm giảm độ bám đường.

Lốp MT không thích hợp cho đường nhựa, đường thành phố vì khả năng bám đường thấp hơn hai loại trên.

2. Kiểm tra độ mòn của lốp và độ sâu gai lốp:

Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, lốp cần được bơm đúng áp suất và tiến hành thay lốp trước khi mặt gai mòn tới 1,6 mm.

Lý do: độ mòn và độ sâu gai lốp giúp phân tán nước và làm giảm nguy cơ trượt nước. Việc sử dụng lốp có chất lượng, bảo đảm các yêu cầu về độ mòn và độ sâu gai lốp cũng giúp cải thiện quãng đường khi đạp phanh.

Tại một số nước phát triển, chiều sâu 1,6 mm còn được quy định trong luật, buộc người lái xe phải tuân thủ. Với thực tế cơ sở hạ tầng tốt, tốc độ lái xe bình quân từ 80-100 km/h ở các nước phát triển hay trên đường cao tốc thì việc kiểm tra độ mòn của lốp là không thể bỏ qua

3. Áp suất lốp: 

Kiểm tra áp suất lốp trước khi khởi hành được xem là một thói quen tốt.

Lý do: Áp suất lốp phù hợp giúp tiết kiệm nhiên liệu trong quá trình chạy xe. Một bộ lốp non sẽ khiến hông lốp lún xuống. Từ đó, kéo theo tình trạng gai trên mặt lốp và cả hông lốp cũng bị mòn. Ngoài ra, lốp non cũng làm tăng lực cản và nhiệt độ, khiến lốp bị mòn nhanh hơn hoặc thậm chí gây nổ lốp.

Áp suất lốp cao cũng khiến giảm tuổi thọ của lốp. Những chiếc lốp được bơm quá căng sẽ khiến lốp bị mòn ở giữa mặt lốp trong khi hai bên mặt lốp vẫn ở tình trạng khá tốt. Điều này cũng làm tăng tốc độ ăn mòn ở phần giữa mặt lốp và giảm tuổi thọ của lốp.

Lưu ý áp suất lốp chịu tác động của thời tiết theo nguyên tắc nóng thì nở ra, tăng áp suất; còn lạnh thì co lại, giảm áp suất. Vì thế cần kiểm tra ít nhất 2 lần/tháng

 4. Cân mâm: 

Cân bằng mâm sẽ giúp nâng cao tuổi thọ của lốp, giúp bảo vệ lốp khỏi bị mòn bất thường, đồng thời giảm rung và nâng cao sự êm ái của lốp trên hành trình.

Theo khuyến cáo, lốp đi khoảng 50.000 km sẽ có những thay đổi về mặt kỹ thuật và nhất thiết phải quan tâm, kiểm tra.

5. Cân chỉnh thước lái: 

Sử dụng thước lái để kiểm tra lốp có bị mòn nhanh và bất thường hay không? Nếu có, phải nhanh chóng kiểm tra góc đặt bánh xe.

Lý do: việc cân chỉnh thước lái bảo vệ lốp trước khỏi nguy cơ mòn nhanh bất thường, giúp người lái khi di chuyển với tốc độ cao, phải xử lý các tình huống bất ngờ đạt được những hiệu quả tốt hơn.

6. Lốp sau:

Theo khuyến cáo của các chuyên gia thì lốp mới nên lắp vào bánh sau và thường xuyên tiến hành đảo lốp.

Lý do: Thông thường, lốp trước sẽ mòn nhanh hơn lốp sau do phải chịu ma sát nhiều hơn khi ôm cua. Ngoài ra, lốp trước ở những xe sử dụng hệ dẫn động cầu trước mòn nhanh hơn ở các xe khác.

Lốp mới được đảo đều khiến không bị mòn một bên, giúp người lái điều khiển xe tốt hơn khi phải phanh gấp hoặc cua sát. Đồng thời giúp giảm nguy cơ mất lái, nhất là trên đường trơn trượt.

Bám đường tốt hơn trong điều kiện thời tiết xấu. Nên định kỳ đảo lốp trước và lốp sau khi chạy được 10.000 km. Lưu ý kiểm tra lốp được lắp đúng vị trí về mặt trong, mặt ngoài

7. Van lốp: 

Luôn đậy chặt nắp van và thay van mới khi thay lốp.

Lý do: giúp duy trì sự kín khí, giữ cho áp suất lốp không bị giảm, duy trì được tuổi thọ của lốp.

8. Sửa chữa lốp:

Khi phát hiện tình trạng hỏng hóc liên quan đến bánh xe, lốp xe, sau khi thay lốp dự trữ để di chuyển tạm thời, cần nhanh chóng liên lạc với các cửa hàng, trung tâm lốp chuyên nghiệp, có chất lượng.

Lý do: các cửa hàng, trung tâm lốp chuyên nghiệp, hoặc được khách hàng tin cậy qua các lần sửa chữa trước đây sẽ đưa ra được những chẩn đoán đúng về tình trạng của lốp, phương pháp sửa chữa đúng để khắc phục hư hỏng và sẽ cân mâm, lắp lốp đúng tiêu chuẩn khi hoàn tất việc sửa chữa.

Điều này giúp cho khách hàng tránh được những phiền toái không đáng có hay tạo ra nguy cơ không an toàn trong quá trình lưu thông sau đó bởi đã chọn nhầm một cơ sở sửa chữa thiếu chuyên nghiệp mà có thể chỉ bởi vì giá rẻ hơn.